Những Thông số Kỹ Thuật Của Loa Karaoke Bạn Cần Biết

Những Thông số Kỹ Thuật Của Loa Karaoke Bạn Cần Biết

Lĩnh vực âm thanh là một lĩnh vực khá đặc trưng vì đòi hỏi bạn cần trang bị lượng kiến thức và kinh nghiệm nhất định. Cho nên để có thể chọn mua được một bộ loa karaoke phù hợp với nhu cầu sử dụng của riêng mình, bạn cần hiểu rõ về các thông số kỹ thuật của loa. Trong bài viết này Sky Group sẽ giải thích ý nghĩa các thông số kỹ thuật thường gặp để bạn dễ dàng chọn được một cặp loa ưng ý nhé.

Loa-karaoke-va-nhung-thong-so-ky-thuat-can-biet

1/ Tần số đáp ứng

Theo lý thuyết, dải tần số âm thanh mà tai người nghe được nằm trong khoảng từ 20Hz đến 20KHz. Để có thể dễ dàng xác định, người ta chia dải tần số trên thành 3 “khoảng tần số” cơ bản nhất, bao gồm:

  • Bass (âm trầm, thường được tính từ ~20Hz đến ~200Hz)
  • Mid (âm trung, từ ~200Hz đến ~4KHz)
  • Treble (âm cao, từ ~4KHz đến ~20KHz)

Loa-karaoke-va-nhung-thong-so-ky-thuat-can-biet

Hình minh họa tần số đáp ứng của các dòng loa JBL KS-series

Trong khi đó, loa là thiết bị có nhiệm vụ tái tạo lại và phát ra các âm thanh thuộc 3 khoảng tần số này, truyền đến đôi tai của bạn. Chính vì thế, loa càng có tần số đáp ứng rộng (trải dài hết dải tần 20Hz đến 20KHz) thì càng tái tạo được đầy đủ tần số mà tai người “muốn nghe”.

Ví dụ: mẫu loa A có tần số đáp ứng là 40Hz – 20KHz, còn mẫu loa B có tần số đáp ứng là 50Hz – 18KHz. Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng dải tần của loa B hẹp hơn loa A (tái tạo được ít tần số hơn). Vậy có thể tạm nhận xét ban đầu rằng loa A có khả năng tái tạo các tần số thấp hơn (âm Bass xuống sâu hơn), và các tần số cao hơn (âm Treble trong và cao hơn).

2/ Đáp tuyến tần số

Để so sánh chất âm của 2 mẫu loa nào đó một cách toàn diện nhất, bạn không chỉ xem xét dựa trên tần số đáp ứng của loa mà còn phải xét thêm đến yếu tố đáp tuyến tần số của đôi loa đó nữa.

Đáp tuyến tần số đúng như tên gọi của nó, là 1 đồ thị cho ta thấy được cường độ âm thanh khi loa tái tạo lại từng tần số khác nhau. Bạn có thể xem hình ví dụ bên dưới:

Loa-karaoke-va-nhung-thong-so-ky-thuat-can-biet

Hình minh họa đáp tuyến tần số của loa

Nhìn đồ thị Đáp tuyến tần số trên, bạn có thể thấy dải tần số bắt đầu có cường độ âm thanh (đây chính là tần số đáp ứng) là từ khoảng 30Hz đến 20KHz.

Ở dải âm trầm (Bass), kể từ tần số dưới 100Hz thì cường độ âm thanh sẽ suy giảm khá nhiều, rồi giảm mạnh và kém ổn định ở mức tần số khoảng 60Hz trở xuống.

Ở dải âm cao (Treble), cường độ có tăng nhẹ ở tần số từ khoảng 4KHz tới 6KHz, qua mức trên 6KHz cường độ sẽ bắt đầu giảm dần. Và từ mức tần số 10KHz trở lên thì cường độ âm thanh sẽ giảm mạnh, và kém ổn định trong dải tần số từ 15KHz đến 20KHz.

Những chi tiết đó cho bạn thấy được cụ thể hơn, ngoài việc tái tạo được dải tần số từ bao nhiêu Hz đến bao nhiêu KHz, còn là mức âm lượng tái tạo lại sẽ nhiều hay ít (nghe rõ ràng hay mờ nhạt) và có ổn định hay không, ở từng khoảng tần số khác nhau.

Như vậy, bằng việc xem xét cả 2 yếu tố Tần số đáp ứng và Đáp tuyến tần số thì bạn mới có thể nhận định chính xác hơn về chất âm của từng mẫu loa.

Thông thường một cặp loa Stereo (2 kênh trái phải) sẽ có tần số đáp ứng khoảng 40Hz – 20KHz. Nếu muốn trải nghiệm trọn vẹn sự quyến rũ của âm thanh tần số thấp và cực thấp (dưới 40Hz) bạn có thể trang bị thêm 1 bộ loa sub để bổ sung thêm dải âm siêu trầm cho bộ dàn của mình nhé.

3/ Công suất định mức và công suất đỉnh (cực đại)

Công suất định mức và công suất đỉnh của loa rất khác nhau. Công suất đỉnh là công suất tối đa mà thiết bị có thể đạt được trong một thời gian rất ngắn, khác với công suất định mức thông thường có thể phát liên tục mà không ảnh hưởng đến tuổi thọ của loa. Bạn sẽ cần chú tâm hơn đến thông số Công suất định mức của loa.

Với một dàn âm thanh Stereo nghe nhạc hoặc karaoke tại gia (gồm 2 kênh loa trái phải), công suất định mức 150W mỗi kênh là đủ đáp ứng cho không gian phòng khoảng 25 – 40m2. Còn những dòng loa công suất 1000W trở lên chủ yếu dùng cho sự kiện lớn, hội nghị từ vài trăm đến hàng ngàn người nghe. Vì thế, bạn không nhất thiết phải “chạy theo công suất lớn”, mà chỉ cần chọn mức công suất phù hợp với diện tích không gian của mình.

Thông thường, loa sẽ phát ra âm thanh chuẩn nhất (về âm sắc) khi được hoạt động ở mức âm lượng (volume) từ khoảng 50% đến 80% công suất. Do đó nếu lựa chọn công suất không phù hợp, ví dụ phòng có diện tích nhỏ nhưng chọn loa thừa công suất, sẽ chỉ nghe ở mức âm lượng khoảng 30%, thì đó không phải là âm sắc chuẩn xác nhất mà cặp loa đó có thể trình diễn (thường người nghe sẽ cảm thấy âm thanh bị chùng, tối và thiếu lực).

Ngược lại, trong một không gian quá lớn nếu dùng loa thiếu công suất, sẽ phải vặn âm lượng hết cỡ (100% volume), thì cặp loa đó cũng sẽ bị quá tải và thường phát ra âm thanh nghe chói và bể tiếng.

4/ Trở kháng của loa

Trở kháng (hiểu đơn giản là điện trở của loa) cũng là một yếu tố kỹ thuật bạn cần quan tâm để phối ghép loa và amply, hạn chế tối đa khả năng xấu nhất là làm cháy (quá tải) mạch amply khi phối ghép sai. Thông thường loa có trở kháng 6-8 Ohm bạn sẽ ít khi phải lo lắng, nhưng với trởi kháng 4 Ohm sẽ cần lưu ý nhiều hơn khi tính toán công suất amply cần có để phối ghép. Nguyên nhân là do các dòng loa trở kháng thấp yêu cầu công suất khuếch đại lớn hơn nhiều so với các loại loa có trở kháng cao hơn, dẫn đến nguy cơ làm quá tải amply.

Loa-karaoke-va-nhung-thong-so-ky-thuat-can-biet

5/ Độ nhạy của loa

Độ nhạy là yếu tố cực kì quan trọng, biểu thị cường độ âm thanh mà loa có thể phát ra ở một mức công suất khuếch đại nhất định. Độ nhạy không hẳn là thước đo về chất lượng âm thanh nhưng cho biết amply của bạn cần mạnh đến mức nào để kết hợp và giúp hệ thống hay hơn. Thông thường những loa độ nhạy cao thường được phối ghép với amply công suất thấp, để mang đến hiệu quả khuếch đại âm thanh tốt hơn cho bộ dàn.

Loa-karaoke-va-nhung-thong-so-ky-thuat-can-biet

6/ Số đường tiếng của loa

Số đường tiếng của loa là số củ loa phụ trách các dải tần số khác nhau (được chia nhỏ ra từ dải tần số 20Hz – 20KHz).

Về bản chất, tần số âm thanh biểu thị cho tần số dao động của sóng âm lan truyền trong môi trường (thường xét trong không khí), nó được tạo ra chính bởi tốc độ rung của màng loa. Và xét về vật lý, tốc độ dao động nhanh hay chậm của màng loa sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các yếu tố cơ bản như: kích thước màng loa và viền loa, chất liệu tạo thành màng loa và viền loa, sức mạnh của nam châm trong củ loa, loại nam châm dùng làm củ loa..v..v..

Màng loa lớn, dày, viền loa cũng dày và có độ đàn hồi cao, nam châm có sức hút và đẩy lớn, thường sẽ tạo ra củ loa dao động được ở tần số thấp (tốc độ rung của màng loa chậm, tạo ra áp lực âm thanh lớn).

Màng loa càng nhỏ, mỏng, viền loa có độ mềm dẻo hơn, nam châm có độ nhạy đảo cực nhanh hơn, thường sẽ tạo ra củ loa dao động được ở tần số cao hơn (tốc độ rung rất nhanh).

Tóm lại, vật liệu cấu tạo của loa có các giới hạn về vật lý, nên nếu từng củ loa được thiết kế và tạo thành bởi vật liệu có tính chất phù hợp nhất với khoảng tốc độ dao động mà nó phụ trách, thường sẽ làm tốt công việc của mình (rung động chính xác với tần số) hơn. Chính vì vậy, thông thường loa có nhiều củ loa hơn, mỗi củ loa phụ trách phát ra 1 khoảng tần số nhất định (Ví dụ: một loa có 3 củ loa, bao gồm củ loa Bass phụ trách tần số từ 40Hz đến 250Hz, củ loa Mid phụ trách từ > 250Hz đến 4KHz, và củ loa Treble từ > 4KHz đến 20KHz) sẽ tốt hơn nếu so với chỉ có 2 củ loa chia nhau phụ trách các tần số đó.

Cần lưu ý những điều sau:

– Tránh nhầm lẫn giữa số đường tiếng và số củ loa: ví dụ một mẫu loa có 3 củ loa bên trong, gồm có 2 củ loa cùng phụ trách dải tần số Bass (từ khoảng 40Hz đến 250Hz) và 1 củ loa phụ trách nguyên cả dải tần số Mid và Treble (từ > 250Hz đến 20KHz) thì dù có 3 củ loa nhưng vẫn chỉ có 2 đường tiếng.

– Riêng đối với loa sub, do nhiệm vụ của nó là chỉ phụ trách riêng biệt dải tần số cực thấp (thường là khoảng 20Hz đến <100Hz) để đạt hiệu quả tái tạo tốt nhất dải tần số “khó nhằn” này. Nên dù loa Sub chỉ có 1 đường tiếng cũng là điều dễ hiểu nhé.

7/ Kích thước và trọng lượng của loa

Kích thước loa nhìn chung cần phù hợp với không gian phòng của bạn, không phải kích thước càng lớn sẽ càng hay hoặc ngược lại.

Về yếu tố trọng lượng, theo lý thuyết thì loa có trọng lượng nặng khi hoạt động sẽ phát âm thanh ổn định, chuẩn xác hơn các loại loa nhẹ, do tần số âm thanh ít bị ảnh hưởng bởi độ rung của chính thùng loa đó. Tuy nhiên còn phải xét đến các yếu tố khác như độ vững chắc của bề mặt đặt loa, của chân loa..v..v…

Trên đây là những thông tin cơ bản về thông số kỹ thuật thường gặp khi mua loa. Chúc các bạn chọn lựa được cặp loa thật sự ưng ý.

 

Trả lời

0941 05 99 88

Contact Me on Zalo
1
Bạn cần hỗ trợ?